Sử dụng AI để phân tích và hỗ trợ việc xử lý bản vẽ kỹ thuật là một bước đi rất táo bạo!!!

  • Phan Ngọc Hưng
  • Machine Learning Engineer

PROFILEPhan Ngọc Hưng

- Nghiên cứu sinh về lĩnh lực điện toán phân tán cho Trí tuệ Nhân tạo (Distributed Machine Learning) ngắn hạn khoảng một năm tại Đại học Tromso, Na-Uy
-Gia nhập CADDi VIỆT NAM từ tháng 07/2022 với mong muốn được thay đổi và phát triển bản thân mình trong việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo giúp việc sản xuất hiệu quả hơn

Chúng tôi vừa có một cuộc trao đổi ngắn với anh Phan Ngọc Hưng – Kỹ sư Học máy (Machine Learning Engineer). Là một kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo, anh từng đảm nhận vai trò nghiên cứu, phát triển các giải pháp phần mềm sử dụng Trí tuệ Nhân tạo nhằm hỗ trợ cho các quy trình sản xuất và giải quyết các vấn đề thực tiễn. 

Với mong muốn phát triển các giải pháp hữu ích từ Trí tuệ Nhân tạo, phục vụ các như cầu tự động hóa trong công nghiệp, anh Hưng đã quyết định gia nhập CADDi và tự hào là kỹ sư đầu tiên của bộ phận Công nghệ từ những ngày đầu CADDi đến Việt Nam. Mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu xem điều gì đã khiến anh có quyết định thay đổi công việc táo bạo và liều lĩnh như vậy nhé!

Niềm đam mê của tôi đã được ấp ủ và nuôi dưỡng để tôi có thể nhận thấy những giá trị thực tiễn của công nghệ, và số hóa trong đời sống thực tiễn trong bối cảnh xã hội đang dần chuyển mình hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trên thị trường lao động hiện tại, chức danh “Kỹ sư Học máy” còn khá lạ lẫm, bản thân tôi cũng rất hứng thú với ngành nghề này. Anh có thể cơ duyên nào đưa mình trở thành một kỹ sư phần mềm không?

Khi internet bùng nổ trong bối cảnh số hóa toàn cầu, các nền tảng và giải pháp tự hóa động hóa việc xử lý thông tin trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người và dần len lỏi mọi lĩnh vực. Với niềm đam mê với Toán và Logic, ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã bị lôi cuốn bởi những kỹ thuật, công nghệ trong việc xử lý tín hiệu số, ứng dụng vào các khía cạnh thực tiễn của đời sống. 

Từ đó, tôi luôn mang trong mình khát khao được làm việc và cống hiến hết mình trong lĩnh vực liên quan đến điện toán, mà cụ thể là phần mềm. May mắn, sau những năm tháng đại học, niềm đam mê đó của tôi đã được ấp ủ và nuôi dưỡng để tôi có thể nhận thấy những giá trị thực tiễn của công nghệ, và số hóa trong đời sống thực tiễn trong bối cảnh xã hội đang dần chuyển mình hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Wow, tôi khá tâm đắc với cách nhìn của anh, vậy vì sao anh lại chọn chuyên ngành của mình là Trí tuệ Nhân tạo / Học máy?

(Cười) Bạn nhắc lại làm tôi nhớ những ngày mình còn là “anh sinh viên”, tôi có cơ hội tham gia một dự án của thành phố năm 2014 về phát triển giải pháp giám sát giao thông cho tuyến đường đại lộ Võ Văn Kiệt sử dụng Trí tuệ Nhân tạo. Sau khi dự án kết thúc giai đoạn triển khai đợt 1, tôi cảm thấy rất hứng thú với lĩnh vực mới mẻ này. 

Tại thời điểm đó, trí tuệ nhân tạo (AI) chưa thực sự bùng nổ và không có nhiều cơ hội việc làm ở Việt Nam như bây giờ. Thế nên, lúc đó, tôi đã xác định định hướng công việc của mình trong lĩnh vực theo hướng nghiên cứu. Tức là, mình sẽ làm công việc phát triển các giải pháp đề xuất mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn. 

Sau đó khoảng 3 năm, các tổ chức, doanh nghiệp dần chú ý hơn đến các giá trị từ lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo này; nhiều cuộc thi về Trí tuệ Nhân tạo trong nước và quốc tế được tổ chức rộng rãi và nhiều lĩnh vực (y tế, giáo dục, giao thông, xã hội, sản xuất, …), tôi cũng tham gia và may mắn có một số kết quả nhất định. Điều này giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này. Tôi quyết định sang làm nghiên cứu về lĩnh lực điện toán phân tán cho Trí tuệ Nhân tạo (Distributed Machine Learning) ngắn hạn khoảng một năm tại Đại học Tromso, Na-Uy. Đó chính là thời điểm giúp tôi tiếp cận được những hệ thống máy chủ tiên tiến nhất trên thế giới phục vụ cho việc phát triển các giải pháp Trí tuệ Nhân tạo, có thể kể đến như NVIDIA DGX-2 và HGX A100. 

Trong quá trình làm việc, tôi nhận ra rằng các giải pháp trí tuệ trong môi trường nghiên cứu cần một hạ tầng thiết bị phức tạp và tiên tiến. Điều này sẽ là một trở ngại lớn khi triển khai thực tế ở quy mô lớn vì chi phí triển khai rất cao. Từ đó, tôi hào hứng hơn với những công việc vừa phát triển, và đồng thời vừa có thể triển khai các giải pháp AI đến người dùng, bên cạnh việc nghiên cứu tìm giải pháp để những giá trị của công nghệ có thể trực tiếp đến được với người sử dụng. 

Trở về Việt Nam, tôi tham gia vào công ty Bosch Việt Nam với vị trí Kỹ sư Trí tuệ Nhân tạo. Tại đây, tôi đã có cơ hội làm việc với các nhóm nghiên cứu về Trí tuệ Nhân tạo của Bosch toàn cầu tìm kiếm các giải pháp công nghệ cho các nghiệp vụ quản lý và sản xuất. Một trong hai dự án nổi bật mà tôi tham gia thời điểm đó là Phát triển và Triển khai Chatbot phục vụ cho bộ phận nhân sự nhằm giải đáp các thắc mắc của toàn bộ nhân viên và các bạn ứng viên có nhu cầu tìm hiểu về các thông tin của công ty. Bên cạnh đó, tôi cũng có cơ hội tham gia vào dự án LabelChecker tự động hóa quy trình kiểm tra lỗi in nhãn sản phẩm trong các dây chuyền sản xuất của Bosch.

Sử dụng AI để phân tích và hỗ trợ việc xử lý bản vẽ kỹ thuật là một bước đi rất táo bạo!!!

Tôi khá ngưỡng mộ những bạn trẻ có tầm nhìn như anh. Vậy vì sao anh chọn CADDi là nơi phát triển tiếp sự nghiệp / đam mê của mình ?

Tôi biết đến CADDi tình cờ qua một cuộc chia sẻ của một đồng nghiệp. Sau khi tham dự buổi hội nghị giới thiệu của công ty sau khi mở văn phòng đầu tiên tại Việt Nam, tôi cảm thấy rất hứng thú với mô hình kinh tế chia sẻ trong thu mua, sản xuất của công ty. Tính tới hiện tại, lĩnh vực sản xuất, gia công kim loại đã xuất hiện ở Việt Nam một thời gian khá dài. Tuy nhiên, hầu hết các công đoạn phân tích và triển khai bản vẽ sau khi thiết kế tại các xưởng sản xuất đa số đều thực hiện một cách thủ công, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nhân công. 

Theo tôi tìm hiểu, CADDi là đơn vị tiên phong trong việc phát triển, ứng dụng triệt để công nghệ cho các quy trình này. Đây thực sự là một ý tưởng rất mới mẻ tại Việt Nam. Vì tính chất đặc thù đòi hỏi độ chính xác cao trong sản xuất, điều này là một thách thức lớn với ngành sản xuất nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để chúng ta có thể khai thác được sức mạnh của công nghệ vào các vấn đề phức tạp.

Chúng ta đều thấy AI được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sử dụng AI để phân tích và hỗ trợ việc xử lý bản vẽ kỹ thuật là một bước đi rất táo bạo. CADDi là một startup với tuổi đời khoảng 5 năm nhưng có một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực sản xuất và đặc biệt là có nhiều cơ hội cho các kỹ sư trẻ muốn thử thách bản thân ở những điều mới mẻ hơn, cụ thể là ứng dụng công nghệ cho sản xuất.

Nhận thấy điều này ngay từ sau buổi chia sẻ của CADDi, tôi nhận thấy mong muốn và định hướng của mình rất trùng hợp với những gì mà CADDi đang tìm kiếm tại Việt Nam. Do đó, như bạn thấy, nay tôi đã trở thành một thành viên trong đội ngũ của CADDi – chịu trách nhiệm đảm trách các dự án phát triển các giải pháp và ứng dụng giải quyết các vấn đề của các đơn vị sản xuất tại Việt Nam.

Đồng nghiệp "chất" trên toàn cầu: bao gồm những thành viên cùng chí hướng, dám thử thách bản thân và cống hiến hết sức mình vì một CADDi toàn cầu và một bước tiến mới cho nền công nghiệp tại Việt Nam.

Sau khi làm việc tại CADDi một thời gian, anh có những suy nghĩ gì về môi trường làm việc hiện tại ?

Từ những ngày đầu tham gia vào CADDi, tôi luôn mong muốn được thay đổi và phát triển bản thân mình trong việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo giúp việc sản xuất hiệu quả hơn. Sau gần bốn tháng làm việc tại CADDi, tôi nhận thấy CADDi mà một môi trường năng động, và có nhiều cơ hội cho các bạn Techie muốn phát triển và làm mới bản thân mình. Sau những vòng phỏng vấn và kiểm tra gắt gao, điều mình cảm thấy thỏa mãn là công ty cho mình cơ hội được làm việc với những đồng nghiệp “chất” trên toàn cầu, để mỗi ngày đi làm mình đều khai phá được những giá trị mới tiềm ẩn trong bản thân mình từ họ. Tại đây, tôi được tiếp cận và làm việc với những kỹ thuật công nghệ mới, quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp, rõ ràng. Ngoài ra, công ty còn tổ chức những buổi chia sẻ, workshop hàng tuần trên toàn cầu để chia sẻ những công nghệ mới đến toàn bộ nhân viên. 

Tôi rất tự hào vì mình là thành viên đầu tiên trong bộ phận Tech của CADDi Việt Nam sau khi có những đóng góp nhất định cho ngành chế tạo của Việt Nam. Cùng với CADDi, tôi hy vọng sẽ có thể hỗ trợ ngày càng nhiều các công ty gia công của Việt Nam trong thời gian sắp tới. Mặt khác tôi kỳ vọng các công ty gia công hiểu được giá trị của cơ hội đặc biệt này, giúp phát triển năng lực của bản thân họ chứ không chỉ dừng lại giá trị lợi nhuận thông thường. 

Mục tiêu của CADDi không chỉ là thị trường Nhật Bản mà hướng tới là một công ty ở quy mô toàn cầu, CADDi cũng đang ở trong giai đoạn phát triển rất nhanh chóng vì vậy hiện tại CADDi cũng đang rất cần nhân sự, đặc biệt là những nhân sự có chuyên môn trong ngành chế tạo. CADDi là tập hợp những người có cùng sứ mệnh “Giải phóng tiềm năng của ngành công nghiệp sản xuất”. Tôi hy vọng CADDi sẽ có thêm những thành viên cùng chí hướng, dám thử thách bản thân và cống hiến sức mình vì một CADDi toàn cầu và một bước tiến mới cho nền công nghiệp tại Việt Nam.