Những thách thức khi áp dụng công nghệ không chỉ ở bản vẽ kỹ thuật, mà còn cả mô hình sản xuất để đáp ứng quy mô toàn cầu của CADDi

  • Kiều Quang Vinh
  • Backend Engineer

PROFILEKiều Quang Vinh

-9 năm kinh nghiệm trong mảng Software Development
-Gia nhập CADDi tháng 10/2022
-Lý do: có cảm hứng với việc số hoá ngành công nghiệp sản xuất và tìm kiếm thử thách mới trong công việc

Gần một năm hiện diện tại Việt Nam, bộ máy hoạt động của đội ngũ công nghệ tại CADDi dần đã quy tụ được kha khá các nhân tài trải đều cả ba miền Bắc Trung Nam. Tuy nhiên, để nói về việc tìm kiếm và chiêu mộ các bạn kỹ sư phần mềm là những câu chuyện thú vị mà khi nhìn lại cả quá trình từ tuyển dụng đến xây dựng hệ thống, chúng tôi phải dùng chữ “duyên” mới lột tả hết những cảm xúc thật nhất khi có cơ hội làm việc với các bạn

Một trong những cái “duyên” và may mắn của người làm nhân sự là được gặp gỡ và cộng tác với anh Kiều Quang Vinh – Kỹ sư Backend đầu tiên của CADDi Việt Nam. Mời mọi người cùng dành ra vài phút để cùng nhìn lại chặng đường anh bén duyên với CADDi nhé!

Tôi nhận ra mình thích làm việc với những hệ thống lớn & phức tạp như vậy, nó mang lại nhiều thử thách khi bạn gặp hàng loạt vấn đề khó cũng như cảm giác chiến thắng khi bạn giải quyết được nó!

Chào anh Quang Vinh, anh có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm cũng như những vị trí trước đây từng làm không ạ?

Chào bạn, tôi bắt đầu làm Software Engineer vào năm 2013 ở GMO Internet, tôi may mắn nhận được sự đào tạo chuyên nghiệp và tận tình để xây dựng phần mềm. Từ những công đoạn đầu tiên như thiết kế, lập trình, kiểm thử cho tới chuyển giao, có thể nói, đây là nơi đặt nền móng cho sự nghiệp của tôi thời gian đầu. 

Để phát triển hơn về chuyên môn, tôi chuyển sang làm kỹ sư R&D cho Tập đoàn Scubism, nghiên cứu về Microservice để áp dụng cho các hệ thống thương mại điện tử lớn của họ. Sau thời gian tích luỹ đủ kinh nghiệm, tôi đảm nhận vị trí Engineer Lead ở Persol Holding và tiếp đó làm Technical Lead ở VAND Creative, chịu trách nhiệm chính cho toàn bộ mảng kỹ thuật và mở rộng quy mô hệ thống của công ty.

Wow, với kinh nghiệm đa dạng ở các vị trí khác nhau, vậy vì sao anh chọn đi chuyên sâu về Backend chứ không phải lĩnh vực phát triển phần mềm khác?

Thời gian đầu tôi làm việc ở cả hai mảng Front-end và Back-end để có thêm kiến thức và có cái nhìn tổng quan về kiến trúc phần mềm.

Tuy nhiên, khi tôi tham gia vào các dự án lớn sau này, việc phát triển kỹ năng chuyên sâu để đáp ứng được nhu cầu dự án là bắt buộc.

Khi một hệ thống phát triển ở quy mô lớn hơn, thì thường Backend là khía cạnh chủ yếu cần được xây dựng và thiết kế.

Đối với tôi, việc phát triển Backend mang lại nhiều bài toán thú vị, từ việc thiết kế cơ sở dữ liệu, kiến trúc hệ thống đến việc mở rộng và duy trì cho nó hoạt động ổn định.

Và tôi nhận ra mình thích làm việc với những hệ thống lớn & phức tạp như vậy, nó mang lại nhiều thử thách khi bạn gặp hàng loạt vấn đề khó cũng như cảm giác chiến thắng khi bạn giải quyết được nó.

“Tôi biến bản vẽ kỹ thuật trở nên có giá trị và “thông minh" hơn!”

Nếu như đối với Backend anh tìm được niềm vui chiến thắng và chinh phục, thì đến với CADDi, anh cảm nhận như thế nào? Và cơ duyên nào mình biết đến CADDi ạ?

Qua thời gian dài làm việc ở nhiều công ty, phần lớn các dự án đều làm việc chủ yếu với cơ sở dữ liệu vốn đã quá quen thuộc với tôi và tôi muốn tìm kiếm một “sản phẩm” nào đó mang tính thử thách hơn.

Và tôi biết đến CADDi thông qua một buổi Meetup, tôi khá tò mò về mô hình kinh doanh cũng như việc số hoá ngành sản xuất, vốn là ngành đặc thù và rất khó để tiếp cận đối với các Startup còn non trẻ.

Theo tôi biết thì mảng này hầu như chưa có startup nào làm trước đây và việc xử lý các bản vẽ kỹ thuật để chuyển thành dữ liệu cùng với AI là việc không hề đơn giản.

Tại buổi Meetup, tôi có cơ hội gặp gỡ và trao đổi cùng anh Aki Kobashi – CTO của CADDi, cũng là cựu kỹ sư phát triển ở tập đoàn Apple, được anh chia sẻ rất nhiều về sản phẩm của công ty và những thách thức khi áp dụng công nghệ không chỉ ở bản vẽ kỹ thuật, mà còn cả mô hình sản xuất để đáp ứng quy mô toàn cầu của CADDi.

Nhận thấy tiềm năng rất lớn và giá trị mà công nghệ có thể mang lại cho ngành sản xuất, sau nhiều vòng phỏng vấn, tôi đã quyết định trở thành một phần của CADDi.

Vậy với vị trí Kỹ sư Backend, anh có thể chia sẻ công việc thường nhật của mình tại CADDi VIỆT NAM?

Hiện tại, tôi phụ trách các hệ thống chuyên về quản lý và xử lý bản vẽ kỹ thuật ở CADDi.

Vai trò chính của tôi là xây dựng các hệ thống Backend theo mô hình Microservice, chủ yếu tương tác với phía AI và triển khai những dịch vụ phân tích, xử lý, tính toán số liệu cho các chi tiết được gia công.

Ngoài ra, tôi còn phải đảm bảo cơ sở hạ tầng hoạt động xuyên suốt và khả năng chịu tải của hệ thống để đáp ứng được số lượng lớn bản vẽ từ các nhà máy sản xuất.

Không chỉ tập trung vào công việc phát triển, chúng tôi còn nghiên cứu và thử nghiệm những công nghệ mới để tối ưu hoá hiệu suất xử lý, độ chính xác và tỉ mỉ trên từng bản vẽ.

Nói một cách đơn giản hơn, tôi biến bản vẽ kỹ thuật trở nên có giá trị và “thông minh” hơn.

CADDi là nơi quy tụ nhiều kỹ sư tài năng trên khắp thế giới, không chỉ khai phá tiềm năng của ngành sản xuất, mà còn tạo điều kiện để kỹ sư có thể phát huy tối đa năng lực và tiềm năng của bản thân

Sau thời gian làm việc tại CADDi VIỆT NAM, những điểm thú vị nhất anh cảm nhận tại đây là gì?

Tôi ấn tượng nhất về việc sử dụng ngôn ngữ linh hoạt tại CADDi trên phạm vi toàn cầu. Thường những doanh nghiệp Nhật rất ít khi sử dụng tiếng Anh hoặc khả năng ngoại ngữ là điểm hạn chế nhất định khi nhắc đến, nhưng tại tập đoàn CADDi, tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giao tiếp và công việc.

Bên cạnh đó, với mạng lưới hoạt động toàn cầu, những đồng nghiệp hiện tại của tôi đến từ các quốc gia như Mỹ, Đức, Na-uy, Pháp, Nhật, Thuỵ Điển, Phần Lan…tôi có thể tự do trao đổi và nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp, giúp công việc trở nên thuận lợi và thông tin được truyền đạt chính xác hơn thay vì phải thông qua phiên dịch tiếng Nhật như những công ty trước tôi từng làm.

Và như bạn thấy, cơ hội “cọ xát” với những kỹ sư giỏi từ các nước khác trên thế giới là một điểm thuận lợi rất lớn cho những kỹ sư trẻ như tôi để học hỏi và nâng cao thêm về trình độ chuyên môn cũng như bắt nhịp với tốc độ phát triển chóng mặt của ngành công nghệ số hóa như hiện nay.

Như những điểm anh vừa chia sẻ, tôi có thể nói tại CADDi VIỆT NAM là một môi trường phát triển thuận lợi cho các bạn đang theo đuổi ngành công nghệ?!

Chính xác! (Cười lớn)

Nếu bạn có theo dõi những hoạt động truyền thông của chúng tôi trong thời gian qua, sẽ không khó để nhận ra hàng tháng chúng tôi đều có những buổi Meetup cũng như tổ chức các buổi “Tech Talk” nội bộ để chia sẻ về công nghệ rất hữu ích, bản thân tôi cũng được học hỏi được rất nhiều nguồn kiến thức mời từ đồng nghiệp xung quanh.

Và, nếu như là một Kỹ sư phần mềm, còn gì “sung sướng” hơn là được hợp tác với các “Head of Engineer”; “Engineer Manager” dày dạn kinh nghiệm không chỉ về quản lý, mà còn là những kỹ sư có năng lực kỹ thuật rất tốt.

Tôi đặc biệt ấn tượng với bác Kenichi Sato – Trưởng bộ phận công nghệ tại CADDi VIỆT NAM, vì ngoài khả năng trao đổi và trình bày tiếng Anh lưu loát, bác còn có thể phân tích, tư vấn và đi sát vào từng khía cạnh kỹ thuật, thậm chí là “coding” miệt mài cùng với các kỹ sư trẻ tại Việt Nam.  Đây là người tạo cảm hứng cho tôi khi làm việc ở CADDi.

Cảm ơn anh về buổi trao đổi thẳng thắn và rất thú vị. Sau buổi chia sẻ này tôi có cái nhìn chuyên sâu hơn về ngành công nghệ cũng như hiểu được những điều hấp dẫn Kỹ sư trẻ khi đồng hành với CADDi VIỆT NAM. Thân chúc anh Quang Vinh thật nhiều sức khỏe, luôn cháy mãi với những hoài bão anh chia sẻ và gặt hái những thành công nhất định tại môi trường mới anh nhé!